Sau khi có cái nhìn phân-biệt bên ngoài, mục-đích và phương-pháp sẽ là mấu-chốt bên trong và đích-thực giúp nhận-diện những nét đặc-thù của Nghĩa-Sinh
Nguyên-lý Nghĩa-Sinh: Nhập Nghĩa-Sinh là nhập một cuộc Phụng-sự, để cải-thiện mình, giúp ích người, hầu trở thành nhà lãnh-đạo mai sau.
- Xã-hội bị phân-hóa, Nghĩa-Sinh kết-hợp.
- Xã-hội bị tàn phá, Nghĩa-Sinh xây-dựng.
- Xã-hội thiếu nhân-sự lãnh-đạo, Nghĩa-Sinh thêm lãnh-đạo. Đó là đáp-ứng và MỤC-ĐÍCH của NS.
1. KẾT HỢP
trí-thức trẻ tại thành-thị, huấn-luyện họ trở thành những cán-bộ ưu-tú. Dùng lớp cán-bộ này đi kết-hợp tầng-lơp thanh-thiếu-niên thiện-chí khác, hoặc trở về thôn xóm, đoàn-ngũ-hóa thanh-thiếu-niên thôn quê nhằm giúp họ cải-thiện bản-thân và xây-dựng cho chính thôn làng của họ.
Bên cạnh, Nghĩa-Sinh còn kết-hợp những thanh-thiếu-niên chán nản gia-đình, thiếu ý thức dân-tộc, bất-mãn với xã-hội để huấn-luyện họ thành những công-dân xứng đáng.
2. XÂY DỰNG
Sau khi đã có một khối nhân-lực khả-dĩ đóng góp cho xã-hội, Nghĩa-Sinh sẽ dùng công-tác xã-hội và phát-triển cộng-đồng để xây-dựng xã-hội, kiến-tạo con người.
Để xây-dựng hữu-hiệu hơn nữa, Nghĩa-Sinh cộng tác mật-thiết với gia-đình và học-đường, phối-hợp với chính-quyền, các tổ-chức từ-thiện để bồi đắp văn-hóa, phát-triển xã-hội, phục-vụ con người…
3. THÊM LÃNH ĐẠO
Tận-dụng môi-trường đoàn-ngũ (như 1 xã-hội thu hẹp) để hội-viên Nghĩa-Sinh tự luyện lãnh-đạo: được phái đến xóm ấp, trường học để đoàn-ngũ, phải tự tạo-lập, hướng dẫn, nuôi dưỡng đơn-vị, sẽ là cơ-hội quí báu cho Nghĩa-Sinh liên-hệ trưởng-thành về phương-diện lãnh-đạo (mỗi TTN trong đơn vị của mình có thể là mẫu con, học trò, nhân viên mà trong tương lai mình sẽ đóng vai-trò làm cha, mẹ, thầy cô, trưởng cơ-quan).
Trong khi tự luyện lãnh-đạo, Nghĩa-Sinh còn được hướng-dẫn tham-gia các hoạt động văn-hóa, xã-hội, thanh-niên, công-nghệ. Qua những hoạt-động đó, với tinh-thần vô-tư-lợi, Nghĩa-Sinh có cơ-hội tự-luyện vào dời và dễ dàng hội-nhập với xã-hội sau này.
4. TÓM LẠI,
mục-đích của Nghĩa-Sinh là KẾT-HỢP thanh-thiếu-niên. Kết-hợp để XÂY-DỰNG tình người, tình dân-tộc và qua đó, họ được đào-tạo, tự luyện thành những người LÃNH-ĐẠO mai sau (lãnh-đạo hiểu theo nghĩa rộng: người biết hướng-dẫn. Hướng-dẫn người và nhất là hướng-dẫn mình). Hình sau đây diễn tả điều vừa nói.
Để đạt được mục-đích trên đây, Nghĩa-Sinh có phương-pháp huấn-luyện trên công-việc (on job training).
1. PHƯƠNG-PHÁP NÀY PHẢI DỰA TRÊN NỀN-TẢNG GỒM TINH-THẦN VÀ TÔN-CHỈ SAU ĐÂY
-
1. Tinh-thần: NS xây-dựng trên tinh-thần:
- a. Kỷ-luật nghiêm-minh (cá-nhân và đoàn-thể)
- b. Vui tươi lạc-quan
- c. Chung sống hòa-đồng
- d. Sẵn-sàng phụng-sự.
Tinh-thần Nghĩa-Sinh dược tóm tắt trong câu: THÊM BẠN BỚT THÙ.
-
2. Tôn-chỉ: Tôn-chỉ của Nghĩa-Sinh lãnh-đạo:
- a. lấy tình-thương (nhẫn-nhục tha-thứ giúp đỡ) làm tiêu-chuẩn giải quyết mọi vấn-đề nội-bộ trong tình huynh-đệ.
- b. lấy công-chính làm châm-ngôn cho mọi hoạt-động.
- c. tôn-trọng nhân-phẩm và nhân-vị của mọi người, không phân-biệt giai-cấp, tín ngưỡng, chủng-tộc.
- d. hoạt-động thuần-túy văn-hóa, xã-hội, thanh-niên và huấn nghệ. Không nhân danh Nghĩa-Sinh để hoạt-động chính-trị.
-
3. Tóm lại, tinh-thần và tôn-chỉ trên được thâu gồm trong CÔNG-THỨC HOẠT-ĐỘNG sau đây cua NS:
- Tình-thương là động-lực
- Công-chính là động-tử
- Kỷ-luật là lộ-trình
- Đích-điểm là Thanh-thiếu-niên.
2. CỨU-CÁNH CỦA PHƯƠNG-PHÁP ‘HUẤN-LUYỆN TRÊN CÔNG VIỆC’ DỰA VÀO NỀN TẢNG TRÊN ĐÂY, SẼ ĐƯA TỚI
- Xã-hội-hóa đoàn-viên Nghĩa-Sinh,
- Phát-triển khả-năng đoàn-viên,
- Thực-hiện mục-tiêu đoàn-thể.
Đây là 3 tiêu-chuẩn của các tổ-chức thanh-niên quốc-tế, rất phù-hợp với phương-pháp NS:
- Nghĩa-Sinh sẽ Xã-Hội-Hóa Đoàn-Viên bằng Định-Luật Phụng-Sự.
- Nghĩa-Sinh sẽ Phát-Triển Khả-Năng Đoàn-Viên bằng quy-tắc Hàng-Ngang, Hàng-Dọc.
- Và sau khi Phụng-Sự và Phát-Triển Khả-Năng qua quy-tắc hàng-ngang-hàng-dọc, đương-nhiên NS sẽ đạt được mục-tiêu đoàn-thể: Tự-luyện lãnh-đạo và chuẩn-bị vào đời.
3. XÃ-HỘI-HÓA NGHĨA-SINH BẰNG ĐỊNH-LUẬT PHỤNG-SỰ
Định-luật này rút ra từ Nguyên-lý Nghĩa-Sinh: “Nhập Nghĩa-Sinh là nhập một cuộc Phụng-Sự, để cải thiện mình, giúp ích người, hầu trở thành nhà lãnh-đạo mai sau”.
Với định-luật Phụng-Sự, Nghĩa-Sinh sẽ:
- Làm quen với nhiều công-việc,
- Quảng-đại hơn sau khi Phụng-sự,
- Thực-hiện Tinh-thần NS: ‘Thêm bạn, bớt thù’.
-
1. LÀM QUEN VỚI NHIỀU CÔNG-VIỆC
Người Nghĩa-Sinh, khi mới gia-nhập, sẽ được trao phó cho những nhiệm-vụ, công tác. Tờ chỗ CHƯA BIẾT công việc, họ đi đến chỗ QUEN-BIẾT. Từ chỗ quen-biết, họ đi tới nơi hoàn-hảo hơn. Dĩ-nhiên, khi trao phó công việc, Nghĩa-Sinh phải căn-cứ vào khả-năng của đương-sự.
- Chưa biết ca hát, sẽ làm quen với bản nhạc.
- Chưa biết diễn kịch, ca vũ, sẽ quen với văn-nghệ.
- Chưa biết sáng tác, trình-bày, sẽ làm quen với bích báo, nội san.
- Chưa biết dạy dỗ, sẽ làm quen với lớp trẻ.
- Chưa biết diễn tả, sẽ làm quen với đám đông.
- Chưa biết thể thao, sẽ làm quen với quả bóng.
- Chưa biết xúc đất, trộn hồ, sẽ làm quen cuốc, xẻng.
- Chưa biết thể thao, sẽ quen cuốc xẻng.
- Chưa biết đời trại, sẽ quen nếp sống thiên-nhiên.
- Chưa biết lớp trẻ bụi đời, sẽ quen dần với ho.
- Chưa biết thể thao, sẽ làm quen với quả bóngï.
- Chưa biết thành-phần du-đãng, sẽ quen dần với nhóm khối này.
- Chưa biết sinh-hoạt với cô-nhi, sẽ quen dần với lớp trẻ mồ-côi…
Tóm lại, Phong-Trào sẽ tạo phương-tiện và môi-trường để người Nghĩa-Sinh thực-tập phụng-sự và phát triển con người hầu tự luyện vào đời và trở thành nhà lãnh-đạo người và lãnh-đạo mình.
-
2. QUẢNG-ĐẠI HƠN SAU KHI PHỤNG-SỰ
Đây là hậu-quả tất-nhiên của công tác giúp ích, miễn là đừng làm vì ép buộc. Khi được trao-phó cho một công việc, nhiều khi vì khó khăn, có thể sinh ra chán nản. Tuy-nhiên, nếu ý thức được lợi-ích của mỗi công việc: tự luyện khả-năng cá-nhân; nâng cao nếp sống và nhân-phẩm đồng-loại; cộng-tác với Tạo-Hóa trong việc hoàn-bị-hóa con người…, công việc sẽ trở thành một nguồn vui và niềm thỏa-thích cao đẹp. Khi quên mình để cư-xử lịch-sự, để phân-phát tình thương, làm việc tốt cho kẻ khác, có lẽ không được người ta thưởng bằng tiền bằng bạc, nhưng sẽ được một phần thưởng khác vô giá: sẽ được tiếng lương-tâm tán-thưởng và trút vào cốt tủy ta một niềm vui bao la. Từ đó, con người cảm thấy quảng-đại hơn vì đã góp sinh-lực mình cho xã-hội. Và quảng-đại hơn chính là một trong những đức-tính căn-bản của nhà lãnh-đạo, vì thuộc-cấp là người để được tha-thứ và giáo-dục.
-
3. THỰC-HIỆN TINH-THẦN NGHĨA-SINH: THÊM BẠN BỚT THÙ
Ngoài những công-tác thu hẹp trong phạm-vi Hiệp-Đoàn mà Nghĩa-Sinh đã, đang và sẽ là những người bạn mật-thiết với nhau, công tác của Nghĩa-Sinh chính-yếu là hướng đến tha-nhân, được hiểu ở đây là thành-phần ngoài Nghĩa-Sinh.
- Đến làm công-tác tại một xóm ấp, Nghĩa-Sinh sẽ tạo được cảm tình nơi dân làng,
- Đến sinh-hoạt-động, huấn-luyện, giúp đỡ một nhóm học-sinh, Nghĩa-Sinh có thêm một số bạn trẻ,
- Đến hỗ-trợ, khai mương, đào hố cho một khóm, phường, Nghĩa-Sinh sẽ được lòng dân tại đó.
- Đi cứu-trợ đồng-bào, Nghĩa-Sinh sẽ chiếm được cảm tình nơi họ,
- Đến giúp vui: văn-nghệ, chiếu bóng… Nghĩa-Sinh có thêm những người hiểu về Phong-Trào.
- Mở một lớp văn-hóa, công-nghệ miễn-phí … NS sẽ tạo được một nhóm bạn.
- Mở một khóa huấn luyện vế sinh-hoạt-động Thanh-niên và công-tác xã-hội, Nghĩa-Sinh có thêm một lớp cán-bộ mới…
Dĩ nhiên, Nghĩa-Sinh không có tham vọng làm bạn với hết mọi người, vì nếu muốn làm vừa lòng tất cả, nhiều khi sẽ mất tất cả, sẽ gây nghi-ngờ và hiềm thị giữa ta với một số người vốn là thù-địch với nhau.
Khi phụng-sự, mặc dầu vô-tư-lợi, cũng bi một số người chê bai, chỉ trích. Nhưng không có một hành vi đẹp nào mà không có những người thưởng-thức. Số người này sẽ là BẠN của Nghĩa-Sinh.
Phái một Nghĩa-Sinh đến môi-trường nào đó, sau một thời gian, nếu anh ta làm mất lòng người này, gây khó chịu cho người nọ…: anh ta chưa có tinh-thần Nghĩa-Sinh. Nhưng nếu sau thời gian đó, anh ta gây được thiện-cảm với người chung quanh, chứng tỏ anh ta có Nghĩa-Sinh-tính, hay tinh-thần Nghĩa-Sinh: thêm bạn bớt thù.
4. PHÁT-TRIỂN KHẢ-NĂNG NGHĨA-SINH BẰNG QUY-TẮC HÀNG NGANG, HÀNG DỌC
‘Khả-năng’ ở đây được hiểu trong chiều hướng khả năng tự luyện lãnh-đạo và tập làm việc để chuẩn-bị vào đời, một môi-trường đầy phức-tạp và đòi hỏi nhiều tế-nhị.
Với Quy-tắc ‘hàng ngang hàng dọc’, Người NS sẽ được:
- Chuyên-môn-hóa (với hệ-thống hàng dọc)
- Tổng-quát-hóa (với hệ-thống hàng ngang).
1. CHUYÊN-MÔN-HÓA
Để có cái nhìn bao quát và dễ dàng thấu-triệt khía cạnh ‘chuyên-môn-hóa’ của Nghĩa-Sinh, có thể dùng một so sánh giữa Hệ-thống Tổ-chức vàĐiều-hành Nghĩa-Sinh với Hệ-thống điều-hành cơ-quan công quyền Việt-Nam:
Ở cấp Trung-Ương Nghĩa-Sinh, trong Hội-Đồng Huynh-Trưởng, ngoài Huynh Trưởng Thủ-Lãnh, Phụ-Tá HTTL, còn có các Ủy-Viên như, UV Nội-Vụ, UV Ngoại-Vụ, UV Huấn-Vụ, UV Tài-Vụ, UV Tín-Vụ, UV Hoạt-Vụ, UV Tác-Vụ…
Với hệ-thống hàng-dọc: thí-dụ Ủy-Viên Nội-Vụ sẽ có trách-nhiệm và quyền-hạn cũng như sẽ chuyên-môn-hóa thuộc cấp của mình gồm Trưởng-Ủy Nội-Vụ (cấp Phương-Đoàn), Trưởng-Ban Nội-Vụ (cấp Chuyên-Đoàn) và các Quản Nội-Vụ (cấp Tâm).
Cũng vậy, một Quản-ngoại.vụ hay bất cứ một quản nào khác, sẽ được chuyên-môn-hóa các vấn đề thuộc phạm-vi của mình nơi cấp trên liên-hệ và nơi kinh-nghiệm, học hỏi bản thân.
Hệ thống hàng dọc
Lý-do phải chuyên-môn-hóa Nghĩa-Sinh:
Nghĩa-Sinh là những cán-bộ đoàn-ngũ, kết-hợp, tức là những người biết hướng-dẫn, lãnh đạo. Chuyên-môn-hóa Nghĩa-Sinh là để thực-tập lãnh-đạo ngay trong môi trường thân-cận và thiết-thực nhất của mình: đó là TÂM.
- Khi một người khách dến thăm Tâm, trong khi Tâm-Trưởng, Tâm-Tá đi đón người khách, Quản-Ngoại-Vụ, được chuyên-môn-hóa về nghi-lễ, xã-giao… sẽ đứng lên điều động anh em chuẩn-bị đón tiếp tốt đẹp hơn.
- Trong buổi họp Tâm, Quản-tác-vụ, bằng sinh-hoạt sống động, phải nâng cao tinh-thần anh em qua nhưng bài ca, tiếng hát, câu reo.
- Các cấp học Nghĩa-Sinh, Quản-huấn-vụ phải thông-thạo trước hết để sẵn-sàng hướng-dẫn lại cho các Nghĩa-Sinh trong Tâm.
- Lúc tập-luyện, thi đua thể thao… Quản-Thể-Vụ sẽ là người hướng-dẫn, v.v…
Tóm lại, mỗi Quản trong Tâm đều được chuyên-môn-hóa trong phạm-vi của mình (Quản nội-vụ, Quản ngoại-vụ, Quản y-vụ, Quản tác-vụ, Quản huấn-vụ, Quản tài-vụ,v.v…) để dần dần thực-tập lãnh-đạo, hướng-dẫn. Tuy vậy, trong một Tâm, Tâm-trưởng là người hoàn toàn chịu trách-nhiệm về Tâm trước cấp trên và trước Hiệp-Đoàn, nên các hoạt-động của mỗi quản phải được Tâm-trưởng thông qua và chứng-giám.
Lúc đứng ra tổ-chức một công việc gì thuộc phạm-vi của mình, người quản-viên đó sẽ:
- Tự luyện lãnh-đạo trong môi-trường Tâm,
- Phát-triển và từ đó luôn luôn trau-dồi phạm-vi chuyên-môn của mình,
- Hiểu rõ tâm-lý trong nghề lãnh-đạo: tâm-lý của một người chỉ-huy (lúc chính mình đứng ra điều-khiển) và tâm-lý của thuộc-cấp (lúc quản-viên khác hướng-dẫn mình). Hiểu rõ và kinh-nghiệm về tâm-lý đôi bên như vậy, sẽ đem những hiệu-năng và cảm-thông hơn.
2. TỔNG-QUÁT-HÓA
Lãnh-đạo, hướng-dẫn không phải chỉ là những chuyên-viên. Vì thế chuyên-môn-hóa Nghĩa-Sinh chưa đủ, còn phải tổng-quát-hóa.
Sau khi được chuyên-môn-hóa theo quy-tắc hàng dọc, mọi quản-viên sẽ tỏa khí-chất chuyên-môn của mình để qua đó, các quản khác cũng được thấm-nhận phần nào chuyên-khí đó. Đó là tổng-quát-hóa, theo quy-tắc hàng ngang.
- Qua quản-ngoại-vụ, các quản khác sẽ được tổng-quát-hóa về phạm-vi nghi-lễ, xã giao…
- Qua quản-thể-vụ, các quản khác sẽ được tổng-quát-hóa luật chơi banh, cách nhồi bóng…
- Qua quản-tín-vụ, các quản khác sẽ được tổng-quát-hóa về lối trình-bày, cách viết tin…
- Qua quản-y-vụ, các quản khác sẽ biết cách-thức dùng thuốc, chữa trị những bệnh thông-thường
- v.v...
Trong khi tổng-quát-hóa, Nghĩa-Sinh còn được thâu thập củng như loại trừ những ưu khuyết điểm trong nghề lãnh-đạo hầu luôn tự-kiểm chính mình:
- Tại sao anh quản ngoại-vụ ăn nói hấp-dẫn, còn tôi, quản tài-vụ lại phát-ngôn kém trôi chảy?
- Tại sao anh quản tín-vụ đứng ra tổ-chức công việc lại được mọi người cộng tác, còn tôi, quản thể-vụ lúc hướng-dẫn thể thao, lại không được hưởng ứng?
- Tại sao anh quản-tài-vụ có những sáng-kiến tăng thu cho Tâm, còn tôi, quản y-vụ, lại không biềt làm giàu tủ thuốc của Tâm?
- Tại sao anh quản huấn-vụ có những tư-tưởng phong-phú, còn tôi, quản tác-vụ, ngoài những học hỏi nơi cấp trên, không biết đào sâu phạm-vi chuyên-môn của mình trong kho tàng sách vở?
- v.v...
Như vậy, tổng-quát-hóa giúp Nghĩa-Sinh hoàn-bị hóa lãnh-đạo, cũng như luôn trau dồi tác-phong của mình trong mọi lúc.
5. NGOÀI RA
trong một phương-đoàn có nhiều chuyên-đoàn, Nghĩa-Sinh trong mỗi chuyên-đoàn sẽ được chuyên-hóa về môi-trường hoạt-động của mình, như Linh-hoạt Nghĩa-Sinh sẽ đươc huấn-luyện để am-hiểu cách-thức bình-thường-hóa đời sống trẻ em bụi đời; Dấn-thân Nghĩa-Sinh sẽ thấu rõ những bước tiến để chinh-phục các băng du-đãng, sẽ hiểu rõ cách-thức điều-hành các cơ-sở xã-hội NS; Thiện-chí Nghĩa-Sinh sẽ được chuyên hóa trong các bộ-môn kịch nghệ, lửa trại, thể-thao, sinh-hoạt cộng-đồng,… để giáo-dục giải-trí cô-nhi; Cảm-mến Nghĩa-Sinh sẽ được chuyên hóa về phạm-vi cách-thức ngăn-ngừa những tệ hại học-đường…
Mỗi Nghĩa-Sinh trong mỗi chuyên-đoàn được chuyên hóa và những Nghĩa-Sinh các chuyên-đoàn khác trong một phương-đoàn sẽ được tổng-quát-hóa về những phạm-vi chuyên hóa của nhau.
6. NHƯ VẬY, NHỜ CHUYÊN-MÔN-HÓA VÀ TỔNG-QUÁT-HÓA, NGHĨA-SINH ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC MỤC-TIÊU PHONG-TRÀO: tự luyện lãnh-đạo và chuẩn-bị vào đời.
TỔNG-QUÁT-HÓA và CHUYÊN-MÔN-HÓA
Thí-dụ cho 3 Văn-phòng Ủy-Viên